“Ấy, tháng giêng vừa rồi thấy bà mặc chiếc áo khoác tây rất đẹp, nên tôi mặt dày đến nhờ Từ Nhân may cho tôi một cái.”
“Cái đó gọi là áo jacket.”
Mẹ Từ trước đó được con gái phổ cập kiến thức một phen, lúc này nói chuyện rất rõ ràng mạch lạc.
“Là kiểu áo bên Anh truyền vào, bên thành phố Đại Hải cũng mới bắt đầu thịnh hành, hơn nữa tôi nói cho bà biết, kiểu áo này không chỉ đẹp mà còn rất gọn gàng, không ảnh hưởng đến việc đồng áng, bà xem vạt áo, cổ tay áo này, không hề vướng víu một chút nào.”
Nói xong, mẹ Từ còn lấy chiếc áo khoác mùa đông màu đỏ sẫm được may thêm lớp lót bằng da của mình ra làm mẫu, tỉ mỉ giới thiệu một phen.
Bác A Căn lập tức quyết định may một chiếc như vậy.
Từ Nhân đo kích thước cho bác, cũng hẹn ngày đến lấy áo.
Thật ra không chỉ có hai mẹ con Lưu Thải Phượng và bác A Căn, những người nghe nói con gái nhà họ Từ biết may vá, đều có ý định này.
Chỉ có điều họ lo lắng Từ Nhân may không đẹp, hoặc là tay nghề còn non kém.
Cùng là bỏ tiền ra may, chi bằng tìm một người thợ lành nghề, nếu không lãng phí vải thì tiếc lắm.
Vì vậy, giống như việc nuôi cá ruộng, mọi người đều giữ thái độ chờ xem.
Cho đến khi Từ Mỹ Hoa mặc chiếc váy bó eo mới may đi xem mắt trở về, e thẹn nói rằng: Đối phương rất vừa ý cô, hơn nữa sẽ nhanh chóng cho người đến nhà hỏi cưới.
Những người phụ nữ trẻ trong thôn nhìn thấy chiếc váy trên người Từ Mỹ Hoa, tâm tư bắt đầu hoạt động.
Những cô gái trẻ đương nhiên là muốn lấy lòng các chàng trai.
Còn những cô gái như Từ Mỹ Hoa, gia đình cũng đang sắp xếp cho đi xem mắt, thì muốn có một chiếc váy thật đẹp để mặc đi xem mắt…
Bởi vậy, nhà họ Từ đột nhiên trở nên đắt khách, ngày nào cũng có các cô, các chị xách giỏ đến tìm Từ Nhân may vá.
Chờ đến khi chiếc áo jacket của bác A Căn được hoàn thành, nhà họ Từ càng trở nên náo nhiệt, có thể dùng bốn chữ "tấp nập người ra vào" để hình dung.
Mẹ Từ từ lúc đầu còn vui vẻ đến mức miệng cười ngoác đến tận mang tai, đếm tiền đến nỗi bị chuột rút, đến bây giờ lại đau lòng, sợ con gái ngồi trước máy may thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy rằng bà thích tiền, nhưng cũng rất thương con gái.
“Nếu có người đến tìm con may quần áo nữa, hay là mẹ tìm cớ từ chối họ đi? Nhìn con dạo này gầy hẳn đi.”
Từ Nhân soi gương, gầy chỗ nào?
Mùa xuân năm nay cô còn cao thêm hai phân, ước chừng đã cao mét sáu lăm rồi, vóc người cũng cân đối hơn trước kia.
Nhìn vòng eo thon gọn này, rõ ràng là chỉ cần béo lên một chút là trông sẽ mập, gầy đi một chút là trông sẽ ốm.
“Mẹ, con như vậy là vừa rồi, mẹ đừng có mua thịt mỡ về nữa, mua con cũng không ăn đâu.”
“... Cái con bé này! Bổ sung dinh dưỡng cho con mà cũng không chịu!”
Mẹ Từ giơ tay định đánh cô, nhưng cuối cùng cũng không nỡ, chỉ lẩm bẩm mắng vài câu rồi giận dỗi bỏ đi.
“Thôi được rồi, mẹ mặc kệ con nữa, mẹ đi xem cá ruộng của mẹ đây!”
Phải nói là cá nuôi trong ruộng lúa đúng là lớn nhanh hơn cá nuôi dưới sông thật, mới được bao lâu mà con lớn nhất đã gần được nửa cân rồi.
Đợi đến tháng bảy, tháo nước ruộng thu hoạch lúa, lứa cá này con nào con nấy cũng phải được tám lạng, con to có khi còn hơn một cân.
Mẹ Từ tính toán giá cả một chút, lại hối hận vì lúc trước không nghe lời con gái nuôi thêm vài con.
Nhưng mà, bà đi dạo quanh mấy ruộng cá của những nhà khác, phát hiện cá nhà họ không lớn bằng cá nhà mình, chẳng lẽ là do thức ăn cho cá?
Trong khi bà đang so sánh cá nhà mình với cá nhà khác, thì những người khác cũng đang âm thầm so sánh.
Mẹ Từ Kiến Quân là Từ Đại Cước cũng thường xuyên đến ruộng cá nhà Từ Nhân đi dạo, bà ta cũng phát hiện ra điều này.
Về đến nhà, Từ Đại Cước nhíu mày nói với chồng: “Cá giống nhà chúng ta và nhà Kim Hoa thả xuống cùng một ngày, sao cá nhà bà ta lại lớn nhanh như vậy?”
“Chắc là cá giống nhà bà ấy mua to hơn cá nhà mình.”
“Không thể nào! Hôm đó nhà bà ấy thả cá giống tôi cũng ở đó, cá giống nhà bà ấy không to hơn cá nhà mình là bao.”
“Mấy con cá to hơn một chút cũng không nói lên được điều gì, có thể là do mấy con đó biết ăn hơn nên mới lớn nhanh hơn, người còn có người béo người gầy nữa là.”
“...”
Từ Đại Cước vẫn cảm thấy có gì đó không đúng: