Đường đỏ và quýt đóng hộp là lấy từ trong kho hàng hệ thống.
Gia đình họ Lý nhất quyết không chịu nhận.
Từ Nhân nhân cơ hội nói rõ mục đích đến đây: “Cháu đến đây là có việc muốn nhờ bác trai, bác gái ạ. Nếu bác không nhận thì cháu ngại quá không dám mở lời. Chuyện là thế này, mấy hôm nữa cháu phải đến Đồng Thành thăm anh chị, bên đó cách xa biển nên không mua được hải sản, cháu muốn mua một ít mang đi. Nếu nhà mình không có thì nhờ bác trai, bác gái hỏi giúp xem nhà nào có. Giá cả cứ như bình thường là được ạ, cháu đến tận nhà mua cho tươi.”
“Chuyện này có gì mà phiền, để bác dẫn con đi xem, đồ nhà bác thì con đừng mua, cứ để dành cho con rể, cháu ngoại nhà bác ăn, làm sao để con phải bỏ tiền ra mua được.”
Vừa nói mẹ Lý vừa dẫn Từ Nhân đến nhà kho.
Nhà họ Lý phơi rất nhiều loại hải sản, nào là rong biển, sò khô, hến khô, ốc móng tay…, tất cả đều là do họ đi cào về.
Sáng nay đi cào cũng được kha khá cua đồng, ước chừng bốn năm cân, mẹ Lý mang về rửa sạch sẽ rồi ngâm muối, ngâm rượu, mấy hôm nữa có thể mang ra chợ bán.
Giá mà biết trước Từ Nhân đến thì bà đã không ngâm, dù sao ăn tươi vẫn ngon hơn.
Từ Nhân quan sát một lượt rồi im lặng hồi lâu, sau đó không nhịn được hỏi: “Có loại nào to hơn không ạ? Ví dụ như tôm sú, cá vàng, cá hố, mực, ghẹ…, cháu mang đủ tiền rồi, bác cứ yên tâm.”
Mẹ Lý ngẩn người, sau đó bật cười ha hả: “Làm gì có những thứ con nói.”
“…”
Nghe bà giải thích một hồi, Từ Nhân mới biết, thôn Hậu Hải chỉ là một làng chài nhỏ nằm trong vịnh, cách biển lớn một khoảng khá xa.
Ngư dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề cào nghêu, sò, ốc, hến… rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo, mua thịt bởi vì đất ở đây là đất mặn, không trồng trọt được.
Tàu đánh cá tập thể tuy có thể đánh bắt được những loại hải sản mà Từ Nhân nói nhưng thường thì vừa cập bến đã bị các nhà máy, cửa hàng cung ứng… mua hết sạch.
Thuyền đánh cá của người dân chỉ dám đánh bắt trong vịnh, chủng loại hải sản cũng rất hạn chế.
Cho dù có đánh bắt được những loại tôm, cá lớn thì họ cũng mang lên thành phố bán, hiếm khi bán trong làng.
Từ Nhân: “…”
Thật không ngờ lại như vậy.
Bảo sao mẹ cô cứ ca thán nhà thông gia nghèo, chỉ toàn mang rong biển, ốc móng tay đến làm quà, hóa ra là do nhà họ chỉ có những thứ đó.
Trong lòng cô bỗng chốc cảm thấy nghẹn ngào.
Người ta thường nói “sống ở núi cao thì ăn thức núi, sống ở gần biển thì ăn thức biển”, nghe thì có vẻ sung túc, tự tại lắm nhưng khi thật sự hòa nhập vào cuộc sống đó mới thấu hiểu hết những cơ cực, khó khăn.
“Bây giờ đã khá hơn trước nhiều rồi.” Mẹ Lý ngược lại rất lạc quan: “Đặc biệt là năm nay, sau khi nhận thầu bãi bồi, không cần phải chờ thủy triều rút mới đi cào cào, bắt ốc nữa, nhà bác đang nuôi nghêu, sò, ốc móng tay…, đến Tết là bán được giá. Những thứ cào được hàng ngày coi như là khoản thu nhập thêm.” Nói rồi bà quay sang Từ Nhân: “Con về nói với mẹ con, tiền nhà bác nợ, trước Tết sẽ trả trước một phần, tháng giêng bán được nhiều sẽ trả tiếp, sẽ không để lâu đâu.”
Từ Nhân vội vàng nói: “Chuyện tiền nong không gấp, cứ từ từ, chỉ cần bãi bồi của nhà mình làm ăn được, cuộc sống sau này sẽ ngày càng khấm khá, ngày tháng tốt đẹp đang ở phía trước.”
“Đúng vậy, chúng ta đều mong có một công việc ổn định, nghề đi biển này đều trông chờ vào trời cả, lúc trời đẹp thì không sao, gặp lúc bão mới thấy cực khổ thế nào.”
Qua một hồi trò chuyện, cuối cùng Từ Nhân cũng nắm rõ được các loại hải sản mà thôn Hậu Hải có:
Chỉ có một số loại hải sản nhỏ như tôm, ốc móng tay, trai, sò, hến, cua đồng, rong biển, rau câu…
Giá cả thì rất rẻ, một đồng có thể mua được rất nhiều, phơi khô có thể để dành ăn được rất lâu.
Còn những thứ như bào ngư, sò điệp, tôm hùm, ghẹ… mà cô muốn mua thì hoàn toàn không có.
Không phải nói đến chuyện cô có tiền cũng không mua được, ngay cả ngư dân ở thôn Hậu Hải cũng hiếm khi thấy, có thấy thì cũng chỉ biết xúm lại xem.
“…”
Chẳng giống biển tí nào cả, cứ như là biển giả vậy.
Là cô ngây thơ quá, cứ nghĩ ở biển thì hải sản gì cũng có.
Nghĩ lại thì vẫn là do nghèo.