Cuối thời Đường, phiên trấn chia cắt, chiến loạn liên miên.
Các tướng lĩnh lớn nhỏ khắp nơi đều tự lập quân đội, hỗn chiến lẫn nhau.
Triều đình bất lực không khống chế nổi cục diện nên chỉ đành mặc kệ.
Thời thịnh thế rực rỡ ngàn xưa đã một đi không trở lại, hoàng thất Đại Đường chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, quanh quẩn nơi góc nhỏ Trường An làm chốn dung thân.
Dân chúng nhà tan cửa nát, trôi giạt khắp nơi.
Mùa thu năm ngoái, bá tánh Liên Châu không kham nổi thuế má và lao dịch nặng nề, đã nổi dậy làm loạn, người hưởng ứng vô số, chẳng mấy chốc đã tụ tập được trăm vạn người. Nghĩa quân một đường đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, vượt qua Trường Giang, chiếm Tương Dương, rồi chiếm Đông Đô Lạc Dương, xem chừng sắp đánh tới dưới chân Thượng kinh Trường An, khiến triều đình và dân chúng kh·iếp sợ.
Triều đình vội vàng phong Hữu Kim Ngô Đại tướng quân Lư Sư Đạo làm Hành dinh Đô Chiêu thảo sứ, các Tiết độ sứ ở các nơi phân biệt làm Bắc diện và Nam diện Chiêu thảo sứ, thống lĩnh binh mã các đạo đi chinh phạt.
Thiên hạ đại loạn.
Nhưng ở Giang Châu dưới sự cai quản của Chu Thứ sử, lại là một cảnh gió yên sóng lặng, bá tánh an cư lạc nghiệp, hoàn toàn không hay biết gió tanh mưa máu bên ngoài.
Phủ Thứ sử.
Tiết xuân khi ấm khi lạnh, những buổi trưa ấm áp nhất cũng cần khoác thêm áo nửa cánh tay bên ngoài áo ngắn để chống lạnh.
Trong sân viện, mấy gốc đào, gốc mận đã nở rộ trong gió, gió nhẹ thổi qua, những đóa hoa trắng hồng khẽ lay động theo gió, rơi đầy mặt đất tựa gấm vóc.
Mấy tỳ nữ búi tóc đơn kế, mặc áo ngắn màu lục váy đỏ, tay bưng mâm sứ trắng miệng quỳ chân cao, luồn qua khóm hoa rặng liễu, vội vã đi qua sân viện để vào trong hành lang.
Rèm trúc cuốn cao, trên sàn gỗ bóng loáng đặt một chiếc giường sập dài trải nệm nỉ, ánh nắng ấm áp xuyên qua cành lá sum suê, lan vào trong hành lang.
Một tiểu nương tử búi tóc song kế, mặc áo ngắn bằng la màu xanh lục dệt kim tuyến vạt chéo hình hoa bảo tương cành lá quấn quýt, khoác áo nửa cánh tay thêu chỉ màu hồng anh đào, đang nằm ngang trên sập, váy lụa kết chuỗi ngũ sắc xoè rộng, dải lụa là in hoa gấp nếp rủ xuống đất.
Phía sau có mấy tỳ nữ đang quỳ, hai người cầm quạt tròn cán dài phe phẩy cho nàng, một người xoa vai, một người đấm chân, còn có một người đang bóc nho trong tay, từng quả đưa đến bên môi tiểu nương tử.
Tiểu nương tử mắt ngọc mày ngài, tuổi còn nhỏ, gương mặt nhỏ nhắn như đắp phấn tạc ngọc, hai bên má có lúm đồng tiền, đôi mắt đen láy sáng ngời, một tay chống cằm, lười biếng hưởng thụ sự hầu hạ của đám tỳ nữ, chỉ tay về phía bàn dài, ra hiệu cho tỳ nữ dọn đi những đĩa chén đã hết.
Đám tỳ nữ lặng lẽ trao đổi ánh mắt, trong lòng kinh ngạc.
Cửu Nương sáng nay tỉnh dậy, cứ luôn kêu đói bụng, một bữa sáng ăn mất chừng một canh giờ mà vẫn chưa xong!
Bánh hồ thịt dê to như cái quạt tròn, cả một mâm đào lạnh, bánh lăng đỏ nổi, bánh xuân cuốn nhân thịt...
Cửu Nương ăn một bữa nhiều như vậy, đám tỳ nữ trợn mắt há mồm, sợ nàng ăn đến vỡ bụng, bèn ngăn không cho nàng ăn nữa, nhưng Cửu Nương lại rưng rưng vành mắt, nói nàng vẫn chưa ăn no.
Đám tỳ nữ vừa dọn dẹp mâm bát, vừa cho người đi mời nhũ mẫu của Cửu Nương là Phùng cô.
Nghe đám tỳ nữ kể xong, Phùng cô hoảng sợ, vội vã chạy đến ngoài hành lang.
“Cửu Nương có phải trong người không khoẻ không?”
Cửu Ninh đang nhét quả anh đào chấm phó mát vào miệng, nghe Phùng cô hỏi, chép miệng nuốt xuống quả anh đào béo ngậy ngọt lịm, khoé miệng khẽ nhếch, mày mắt hơi cong.
“Không sao ạ, con đói bụng thật mà.”
Nhiệm vụ trước nàng đã phải nhịn đói chừng bảy ngày bảy đêm mới có cơ hội đánh lén nhân vật chính, đúng là quỷ chết đói đầu thai, cứ phải ăn một bữa no trước đã rồi tính.
Trời đất bao la, ăn cơm là lớn nhất.
Phùng cô quét nhìn bàn dài, mí mắt giật giật, “Tiểu tổ tông ơi, ăn nhiều như vậy không tiêu, lại toàn đồ chua đồ lạnh, coi chừng tiêu chảy!”
Vừa nói, bà vừa lạnh lùng liếc ngang đám tỳ nữ đang hầu hai bên.
Đám tỳ nữ im như ve sầu mùa đông.
Cửu Ninh cười cười, buông chén xuống, kêu ‘ai nha’ một tiếng.
Phùng cô sắc mặt đại biến, thu lại ánh mắt doạ nạt đám tỳ nữ, quan tâm hỏi: “Có phải bị đầy bụng không?”
Cửu Nương trở mình, nằm ngửa mặt trên sập, làm nũng với bà, “Phùng cô, người xoa bụng cho con đi.”
Phùng cô đau lòng khôn xiết, ba bước cũng biến thành hai bước mà tiến vào hành lang, quỳ xuống bên sập, cẩn thận đỡ Cửu Ninh dậy, nhẹ nhàng xoa bụng cho nàng.
Bà vốn quen hầu hạ người, lực tay vừa phải, Cửu Ninh vừa ăn no một bữa, lại có đám tỳ nữ vây quanh, một đám người ân cần hầu hạ, thoải mái đến mức hừ hừ khe khẽ.
Chỉ lát sau đã ngủ thiếp đi.
Phùng cô dở khóc dở cười, ra hiệu bằng mắt bảo tỳ nữ đi mời y công.
Cửu Nương thân mình yếu ớt, ăn uống thả cửa một bữa như vậy, dạ dày sao chịu nổi?
Tỳ nữ đi tiền viện tìm y công, một lúc lâu sau, cúi đầu quay về.
“Nương tử nói y công hôm nay không rảnh, không có ở trong phủ.”
Phùng cô cười lạnh hai tiếng.
“Y công không rảnh, nương tử không biết đưa th·iếp mời sang Ôn gia nhà bên cạnh mà mời sao?”
Tỳ nữ không dám hé răng.
Phùng cô sợ đánh thức Cửu Ninh, nén giận, hỏi: “A lang có ở trong phủ không?”
Tỳ nữ lắc đầu, “Hôm nay thiền sư ở chùa Vĩnh An mở buổi giảng giải pháp, a lang dẫn theo Đại Lang, Tam Lang và Thập Lang đi xem náo nhiệt rồi.”
Phùng cô cau mày.
Phụ thân của Cửu Nương là Chu Bách Dược trước sau đã cưới tổng cộng ba vị phu nhân.
Vị phu nhân đầu tiên sinh cho ông hai người nhi tử rồi mất vì bệnh.
Vị phu nhân thứ hai là Thôi thị, chính là mẹ đẻ của Cửu Nương, Thôi thị chỉ sinh được một người con gái là Cửu Ninh, năm năm trước Thôi thị cũng bất hạnh qua đời sớm.
Năm kia, Chu Bách Dược lại cưới thêm một người vợ kế là Ngô thị, Ngô thị khi còn ở khuê trung chưa xuất giá đã có hiềm khích với Thôi thị, nay trở thành mẹ cả của Cửu Nương, tự nhiên sẽ không cho Cửu Nương sắc mặt tốt.
Ngô thị dù sao cũng cần giữ thể diện, dù ghét Cửu Nương cũng sẽ không hà khắc với nàng một cách công khai, nhưng cũng chỉ dừng ở đó. Chu Bách Dược một lòng dạy dỗ hai người con trai của vợ cả, chẳng mấy quan tâm đến các tiểu nương tử trong phủ, Cửu Nương tuy là con gái vợ cả, nhưng từ nhỏ đến lớn, Chu Bách Dược chưa từng bế nàng lần nào.
Phụ thân lạnh nhạt, mẹ kế thờ ơ, Cửu Nương lại không có huynh đệ tỷ muội cùng mẹ, cứ thế gập ghềnh lớn lên, lại được nuôi dưỡng thành người ngây thơ hồn nhiên, hoàn toàn không có tâm cơ.
Phùng cô tuy vào phủ hầu hạ Cửu Nương sau này, nhưng thương nàng cơ khổ, coi nàng như con gái ruột, thấy nàng tính tình hiền hoà lương thiện, sợ nàng chịu ấm ức, bởi vậy càng không chịu được kẻ khác coi thường nàng. Phùng cô tính toán chi li, hễ tỳ nữ, tiểu đồng nào trong phủ coi thường Cửu Nương là bà lại phải làm ầm lên một trận.
Nhưng Cửu Nương lại lòng dạ rộng rãi, không thích gây sự, tuổi càng lớn càng dần xa cách Phùng cô, người vốn thích cạnh khoé tranh cường, khơi chuyện thị phi.
Tiểu nương tử không khoẻ, Ngô thị thân là mẹ cả lại thờ ơ như vậy, nếu là trước đây, Phùng cô nhất định sẽ làm ầm lên một trận, tốt nhất là làm cho cả nhà đều biết, nhưng bà nhớ tới tiểu nương tử từ khi hiểu chuyện ngày càng xa cách mình, sợ làm nàng thêm ghét, đành phải cố nén bất mãn, nhỏ giọng dặn tỳ nữ: “Tháng trước đạo trưởng có tặng mấy viên đan dược, hoà một viên cho nương tử uống đi.”
Tỳ nữ vâng dạ.
Một canh giờ sau, Cửu Ninh ăn no uống đủ lại ngủ say một giấc, từ từ tỉnh lại, vươn vai.
Chu gia tuy không phải danh môn vọng tộc, chỉ có thể coi là hào tộc bản địa ở Giang Châu, nhưng nay hoàng thất Lý Đường suy vi, ở Giang Châu, Chu Thứ sử nghiễm nhiên là thổ hoàng đế nói một không hai. Nàng thân là cháu gái ruột của Chu Thứ sử, thân phận tôn quý, nô bộc như mây, áo đưa đến tay, cơm dâng đến miệng, thật sự là thoải mái dễ chịu.
Trong ký ức ít ỏi còn sót lại của Cửu Ninh, nàng chưa từng trải qua những ngày tháng thoải mái như vậy.
Đang cảm khái, một tiểu tỳ nữ mặt tròn mắt nhỏ xách váy chạy một mạch vào sân, đứng trước hành lang, thở hổn hển nói: “Không hay rồi, vị lang quân do Côn nô sinh ra đã được tìm về rồi!”
Phùng cô và mấy tỳ nữ lớn tuổi sững sờ một lát, rồi biến sắc.
Cửu Ninh tò mò hỏi dồn: “Ai trở về ạ?”
Phùng cô hung hăng lườm tiểu tỳ nữ, chuyện thế này hà tất phải nói với tiểu nương tử?
Tiểu tỳ nữ run rẩy co rúm người lại, tự trách mình lỡ lời, nhưng Cửu Nương đã hỏi, nàng ấy cũng không dám giấu, nhỏ giọng đáp: “Là... là Côn nô...”
Cửu Ninh dựa vào kỷ, để tỳ nữ đấm chân bóp vai cho mình, hỏi: “Có phải Nhị Lang đã về rồi không?”
Tiểu tỳ nữ gật gật đầu, nhỏ giọng nói: “Người bên ngoài đang vây quanh xem đông lắm.”
Cửu Ninh khẽ mỉm cười, cũng đến lúc rồi.
Chu gia Nhị Lang, Chu Gia Hành, người huynh trưởng khác mẹ của Cửu Ninh —— nam chính trong 《 Giáng Tiên truyện 》.
Nhân vật chính của 《 Giáng Tiên truyện 》 dĩ nhiên không phải tiểu vai phụ thánh mẫu Tiểu Cửu Nương, mà là Cao Giáng Tiên. 《 Giáng Tiên truyện 》 miêu tả cuộc đời truyền kỳ của nàng ta, từ một tỳ nữ địa vị thấp hèn trở thành mẫu nghi thiên hạ, cuối cùng trở thành Thái hậu lâm triều nghe chính.
Trong quyển sách 《 Giáng Tiên truyện 》 này, từ đại tướng quân trong triều, thừa tướng nắm thực quyền, cho đến vương tử dị quốc đều yêu sâu sắc Cao Giáng Tiên.
Chỉ có Chu Gia Hành là ngoại lệ.
Cha ruột của Chu Gia Hành là Chu Bách Dược, hậu duệ của vọng tộc Giang Châu, nhưng mẹ đẻ lại là một Côn nô hạ tiện. Thuở nhỏ hắn không được gia tộc coi trọng, lớn lên trong dân gian, vì nuôi sống mình và mẹ, đã từng buôn muối lậu, làm phu khuân vác, thấu hiểu nỗi khổ dân gian. Hắn tuy sống trong khốn khó nhưng lại kết giao được không ít anh hùng hào kiệt, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, thông thạo văn chương. Sau khi trở lại Chu gia, hắn nhanh chóng thể hiện tài năng, được tộc trưởng coi trọng, trở thành người thừa kế của ông, đoạt được quyền kế thừa Chu gia. Từ đó thăng tiến nhanh chóng, trở thành bá chủ một phương.
Trong quyển sách 《 Giáng Tiên truyện 》 này, nam chính Chu Gia Hành và nữ chính Cao Giáng Tiên thực ra từ đầu đến cuối gần như không tiếp xúc gì mấy.
Nhưng hắn chỉ trong vài năm ngắn ngủi đã phát triển lớn mạnh, thân chinh dẫn quân, lần lượt đánh bại các thế lực cát cứ, thống nhất nam bắc, đề bạt nhân tài, chỉnh đốn quan lại, thực thi chính sách mới, một tay đặt nền móng thịnh thế, là đối thủ khó đối phó nhất trong đời của nữ chính Cao Giáng Tiên, vì thế được công nhận là nam chính.
Vị hoàng đế khai quốc này chí lớn chưa thành thân đã mất, vừa mới chấm dứt loạn thế phân tranh, còn chưa kịp thu phục Yên Vân thập lục châu, đã đột ngột qua đời vì lao lực thành bệnh.
Lúc sinh thời hắn không thành thân, đương nhiên cũng không có con nối dõi, con cháu khác của Chu gia lại tầm thường kém cỏi, không ai gánh vác nổi trọng trách, vì thế cơ nghiệp nửa đời của hắn đành để cho người huynh đệ tốt Tống Hoài Nam hưởng lợi.
Chỉ nửa tháng sau khi hắn mất, Tống Hoài Nam liền phát động binh biến, khoác hoàng bào, đăng cơ làm Hoàng đế, ngay sau đó sách phong Cao Giáng Tiên làm Hoàng hậu.
Thực ra Chu Gia Hành không phải chết bệnh, nguyên nhân cái chết thật sự của hắn là trúng độc mãn tính.
Hung thủ chính là nữ chính Cao Giáng Tiên.