“Không nói đến chị nữa, chúng ta nói chuyện của em đi. Em năm nay hai mươi hai tuổi rồi phải không? Đã có người yêu chưa?”
"..." Từ Nhân ấp úng mãi mới nói được một câu: “Em mới hai mươi mốt tuổi.”
Cô vẫn chỉ là một cô gái trẻ mà.
Trước khi xuyên sách, cô học năm hai nghiên cứu sinh vẫn còn độc thân, thời đại làm nông nữ sống đến khi sắp chết cũng độc thân, kiếp này tuổi còn trẻ hơn, nói gì đến chuyện yêu đương. Yêu đương sao bằng đi du lịch khắp thế giới cho vui?
Phó Linh Linh mím môi cười: “Đó là tuổi mụ của em, ở đây chúng ta đều nói tuổi theo sổ hộ khẩu, hai mươi hai tuổi không còn nhỏ nữa, học hành và yêu đương đâu mâu thuẫn gì?”
"Em bận lắm." Từ Nhân than thở, “Ngày nào cũng bù đầu vào làm thí nghiệm, viết luận văn, lấy đâu ra thời gian mà yêu đương.”
“Ngành của em chắc con trai nhiều nhỉ? Bốn năm rồi mà chưa gặp được ai vừa mắt sao?”
Nói đến chuyện vừa mắt, trong đầu Từ Nhân chợt hiện lên một khuôn mặt nho nhã, thanh tú. Ai cũng khen anh ấy có khí chất ôn nhu, tao nhã như ngọc, chỉ có cô luôn cảm thấy ẩn sau vẻ ngoài dịu dàng ấy là sự xa cách, lãnh đạm.
“Từ Nhân?”
"Hả?" Từ Nhân giật mình hoàn hồn.
Mình bị sao thế này? Sao tự dưng lại nhớ đến người học trò cưng của giáo sư, người sư huynh hơn cô năm tuổi chứ? Hai người họ còn chưa gặp nhau mấy lần.
Trời đã muộn, Từ Nhân từ chối lời mời ở lại ăn cơm tối của Phó Linh Linh, lái xe điện về nhà.
Mấy ngày sau đó, cô không ra ngoài nữa.
Ở nhà đang mùa gặt lúa, thu hoạch cá, những quả dưa hấu đầu tiên trồng vào vụ xuân cũng đã đến kỳ thu hoạch, mọi người đều bận tối mắt tối mũi.
Từ Nhân không biết làm nhiều việc nhà nông, nhưng cô nấu ăn khá ngon, vì vậy cô đảm nhận việc nấu ba bữa mỗi ngày và chuẩn bị trà chiều, bánh ngọt cho cả nhà.
Không cần nói cũng biết, năm nay nhà họ Từ lại được mùa cá, lúa, dưa. Thậm chí họ còn chẳng cần phải mang nông sản đi bán, mà các thương lái đã đến tận thôn Từ Gia từ sớm để chờ thu mua. Vừa thu hoạch xong, họ liền cân lên và thanh toán tiền theo thứ tự ai đặt cọc trước.
“Nhà máy bông vải số 1 chúng tôi muốn mua tám trăm cân gạo mới, hai trăm con cá rô đồng, một trăm quả dưa hấu.”
“Nhà máy cơ khí chúng tôi muốn mua ba trăm con cá rô đồng, ba trăm quả dưa hấu.”
“Chúng tôi...”
Tất cả đều là những người được các đơn vị cử đến mua quà tặng cho dịp Tết Trung thu sắp tới.
Nhìn những thương lái đứng trước lần lượt vui vẻ chở cá, lúa, dưa rời đi, những người đứng sau bắt đầu sốt ruột.
“Anh ơi, chừa lại cho chúng tôi một ít chứ!”
“Đúng đấy, đừng để đến lượt chúng tôi là hết hàng!”
Ông Từ cười ha hả trấn an mọi người: “Đừng vội, đừng vội, trừ gạo mới ra, cá với dưa vẫn còn, đủ chia cho mọi người.”
Thật ra, ai cũng muốn mua một ít gạo mới của nhà họ Từ, cho dù không mua cho cơ quan thì mua cho gia đình cũng được.
Gạo tẻ mùa sớm của nhà họ Từ ăn còn ngon hơn cả gạo nếp bán ở cửa hàng lương thực, mềm dẻo, thơm ngon, ăn một lần là nhớ mãi.
Thế nhưng mặc cho mọi người có nói gì đi nữa, nhà họ Từ cũng chỉ đồng ý bán lúa của hai mẫu ruộng, còn hai mẫu còn lại họ muốn để dành ăn dần.
Từ Nhân ở nhà nửa tháng, sau khi mùa vụ đã xong, công việc đồng áng cũng nhàn hơn. Cô cũng sắp đến ngày phải quay lại trường, trên đường về còn phải ghé qua thành phố Đồng Thành thăm anh trai, chị dâu nữa.
Mẹ Từ dù không nỡ cũng chỉ có thể để con gái đi.
Con gái đi học là vì tương lai của nó, làm cha mẹ sao có thể cản trở được.
“Bốn trăm cân gạo này để bố con mang đi gửi xe vận chuyển, hai trăm cân gửi cho anh con, hai trăm cân gửi đến trường cho con. Ngoài ra, mẹ còn chuẩn bị thêm cho con năm mươi cân gạo nếp, đổi từ nhà Kiến Quân đấy, con thích ăn xôi mà. Giờ ký túc xá cho phép nấu nướng rồi, muốn ăn thì tự hấp mà ăn.”
Mẹ Từ vừa nói vừa lôi ra bốn bao tải gạo lớn để riêng, ngoài ra còn chuẩn bị riêng cho con gái một bao gạo nếp năm mươi cân.
Từ Nhân dở khóc dở cười: “Mẹ, con nào ăn hết từng ấy.”
Giáo sư đã xin được cho cô một phòng ở ký túc xá một người, muốn nấu nướng thì chỉ cần mua một cái bếp than về là được. Cô chỉ thuận miệng nói một câu, không ngờ bố mẹ lại để tâm đến thế, còn định gửi gạo đến cho cô.