Trong kho hàng hệ thống của cô, thứ không thiếu nhất chính là lương thực. Khi làm nông nữ, dựa vào món kẹo gừng và hoa quả ngâm cổ truyền, cô đã kiếm được rất nhiều tiền. Cuối cùng, cô quyên góp một nửa số tiền ấy, nửa còn lại cô dùng để đổi lấy lương thực, vải vóc và những vật dụng cần thiết khác trong cuộc sống. Trong đó, lương thực chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Nhưng mẹ Từ đâu biết chuyện này, bà chỉ biết trước đây con gái ở ký túc xá tập thể bảy người, không được phép nấu nướng, nếu không bà đã gửi gạo mới cho con gái từ lâu rồi. Gạo ở căn tin trường làm sao ngon bằng gạo mới nhà mình được.
“Gửi xe vận chuyển mà, có phải con tự vác đâu. Đến lúc ấy, con chỉ cần bỏ một chút tiền thuê người chở đến ký túc xá là được.”
Chuẩn bị xong mọi việc, mẹ Từ giục chồng đi tìm người lái máy kéo trong thôn, đưa con gái ra ga.
Đã hai năm nay Từ Nhân chưa quay lại Đồng Thành, nhưng cô vẫn nhớ mang máng cửa hàng may của chị dâu.
“Chị dâu!”
Nghe thấy giọng nói quen thuộc, chị dâu Từ vội vàng ngẩng đầu lên, nhìn thấy em chồng đang cười tủm tỉm nhìn mình, chị vui mừng đứng bật dậy:
“Từ Nhân đấy à, mau vào nhà đi! Trời nóng như thế này, còn xách nhiều đồ đạc như vậy, có bị say nắng không? Sao không báo trước cho chị một tiếng, để anh em ra đón.”
“Em không sao, gạo gửi xe vận chuyển rồi, mấy thứ này em xách được.”
Em chồng lâu lắm mới đến chơi một lần, chị dâu Từ liền đóng cửa tiệm, lấy xe đạp ra, chở cô về nhà.
“Từ hồi chuyển nhà đến giờ, em chưa đến đây lần nào nhỉ? Cách đây hơi xa một chút, đi xe đạp cũng phải mất mười mấy phút. Nhưng bù lại cũng yên tĩnh, nhà nào ở riêng một khu, trước sau đều có sân, chị trồng được khá nhiều rau đấy, lát nữa em muốn ăn gì, chị làm cho.”
“Đậu Đậu, Đinh Đinh có khỏe không ạ?”
“Chúng nó khỏe lắm, chỉ là nghịch ngợm quá, nghỉ hè không chịu ở nhà, ngày nào cũng chạy theo thằng bé nhà họ Giang bên cạnh. Hôm nay, chúng nó lại sang nhà bà ngoại nó chơi rồi, chắc tối muộn mới về.”
Mấy năm nay, cuộc sống của gia đình nhỏ nhà anh trai cô ngày càng khấm khá. Sau khi chuyển đến nhà mới, họ đã sắm sửa được đầy đủ tủ lạnh, ti vi, quạt điện, máy giặt.
Trong đó, hơn một nửa là nhờ công sức của chị dâu cô.
Tiệm may của chị dâu làm ăn rất phát đạt. Không chỉ có khách đến may đồ xếp hàng dài, mà các xưởng may xung quanh cũng tìm đến tận nơi, muốn mời chị vào làm thiết kế, thậm chí còn muốn chị nhận học viên, đãi ngộ gần bằng với mức trợ cấp của anh trai cô.
Thế nhưng sau khi suy nghĩ, chị dâu cô cảm thấy sở dĩ chị có thể may được những bộ trang phục hợp thời trang như vậy, đều là nhờ những bản thiết kế mà em chồng gửi cho chị hàng tháng.
Không có em chồng, có thể chị vẫn biết may, nhưng chắc chắn không thể may được những bộ trang phục đẹp như vậy, nếu nhận lời vào xưởng may chẳng phải là hại người ta sao? Cái đó gọi là "đức không xứng vị".
Hơn nữa, tiệm may của chị làm ăn tốt như vậy, vừa tự do lại kiếm ra tiền, cần gì phải vào xưởng may chịu sự gò bó của người khác.
Gọi điện thoại cho Từ Nhân, Từ Nhân cũng nói như vậy, chị dâu Từ càng thêm vững tâm, nói không đi là không đi.
Sau đó, xưởng may lại đến thương lượng với chị, hỏi mỗi lần ra mẫu mới có thể báo trước cho họ một tiếng hay không? Họ muốn mua bản thiết kế, còn chị vẫn có thể nhận may ở tiệm. Dù sao xưởng may cũng sản xuất số lượng lớn, một hai đơn hàng nhỏ lẻ cũng không ảnh hưởng gì đến họ.
Chuyện này thì không có vấn đề gì.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, chị dâu Từ đồng ý.
Số tiền bán bản thiết kế, chị đều ghi vào sổ tiết kiệm cho em chồng, không tham lam một đồng nào.
Về đến nhà, chị dâu nấu cho Từ Nhân một bát mì, sau đó vào phòng ngủ lấy ra một phong bì dày cộp đưa cho cô:
“Của em đây, đây là tiền chia lãi của tiệm may và tiền bản quyền thiết kế của xưởng may năm nay. Em đếm xem có đúng không, sổ sách ở đây.”
Mấy lần đầu Từ Nhân còn từ chối, nhưng từ chối cũng vô ích. Đến nay đã là năm thứ tư rồi, cô không còn khách sáo nữa, nhận lấy phong bì: “Cảm ơn chị dâu.”