Người dẫn đường là đại nha hoàn bên người Tiêu Yến, vì là đại nha hoàn cho nên Tô Lương Thiển cũng nhận ra nàng ta, nhưng tiếp xúc không nhiều, chỉ biết tên là Tử Yên, lại rất biết nói chuyện. Trên đường đi giới thiệu cho Tô Lương Thiển luôn miệng nịnh nọt Tiêu Yến, nói toàn những lời hay về bà ta.
Tô Lương Thiển nghiêm túc nhớ lại, kiếp trước lúc mình về phủ thanh danh đã trở nên bê bối, gần như bị tất cả mọi người phỉ nhổ khinh thường, lại thêm những mưu mô do Tiêu Yến làm ra, hàng năm đều triền miên trên giường bệnh, chẳng hề hiểu rõ đám hạ nhân trong phủ.
Đối với nàng mà nói thì đại đa số hạ nhân đều giống nhau, họa vô đơn chí nói những lời khó mà nghe lọt tai, thậm chí sẽ làm chút chuyện gì đó--
Lúc đó nàng đã mất hết ý chí, thân thể như ở địa ngục, Tiêu Yến nói gì nghe nấy, bọn họ cũng không cần phải vẽ vời thêm chuyện, hay nói cách khác, cũng chẳng qua là ném một nắm cát vào mặt hồ yên ả, không gợn nổi gợn sóng, chỉ có số ít người đặc biệt quá trớn mới để lại ấn tượng sâu sắc đến nay.
Tử Yên này, nàng láng máng nhớ rằng hình như nàng ta được gả cho nhi tử của Đỗ ma ma, bây giờ Đỗ ma ma chết rồi, còn mất đi sự yêu thích của Tiêu Yến, kết cục của nàng ta không biết có thay đổi không.
Đoàn người đi về hướng Lưu Thiển Uyển, đi qua một cây cầu có mái che, cây cầu có mái che này được xây bắc ngang trên nước, một bên là ao và một bên là mặt hồ xanh biếc.
Tô Lương Thiển còn nhớ mùa đông năm nay khá ấm áp, không có tuyết rơi, lúc này đã gần tới trưa, dưới ánh mặt trời, mặt hồ trong veo không bị đóng băng.
Vân Châu nằm ở phía bắc biên cảnh, bốn phía bị núi vây quanh, cũng không có nhiều nước, lại càng không thể nhắc tới việc xây dựng phong cảnh mặt hồ nằm trong vườn như vậy. Thấy vậy Phục Linh và Giáng Hương đều xuýt xoa, Quế ma ma thì thổn thức hoài niệm, lúc này bước chân Tô Lương Thiển cũng chậm lại.
Nàng đi xuống bậc thang, từ rất xa đã nhìn thấy mấy thiếu nữ ăn mặc sáng sủa tươi đẹp đứng bên ao, cười nói đi về phía nàng.
“Đây là Đại tiểu thư sao, sao trông như đứa nhà quê chưa từng nhìn thấy sự đời thế.”
Lời vừa nói xong, mấy người bên cạnh nàng ta cũng theo đó cười giễu cợt ra tiếng, trong số đó còn có mấy hạ nhân ăn mặc như nha hoàn, Tử Yên đang dẫn đường thấy vậy cũng dừng lại.
Không cần đến gần, Tô Lương Thiển cũng đã nhận ra người kia.
Đi đầu là Tô Hàm Nguyệt, con gái lớn của Tam di nương, đứng hàng thứ tư ở Tô phủ. Trên người nàng ta mặc áo màu cam vạt áo chéo thêu hoa văn bươm bướm, phía dưới váy thêu cùng màu. Môi anh đào, mũi thanh tú, vóc người cũng xinh xắn lanh lợi, lả lướt, dáng đứng yêu kiều, trông có phần tư thái thanh tú đẹp đẽ chọc nam nhân thấy mến yêu, nhưng lúc này lại bị vẻ mặt như con gà chọi ngang ngược ăn trên ngồi trước của nàng ta phá hỏng gần hết.
Đứng bên trái nàng ta chính là Tam tiểu thư Tô Như Cẩm do Nhị di nương Diêu Nhâm Tuệ sinh ra, Nhị di nương Diêu Nhâm Tuệ là đích nữ của biên soạn Hàn Lâm Viện, tuy rằng biên soạn Hàn Lâm Viện chỉ là chức quan chính thất phẩm, nhưng lại chỉ có người thi đậu tiến sĩ mới được sắc phong, là chức vị thanh quý mà phải người có học thức phong phú mới có thể làm được, Diêu Nhâm Tuệ năm đó cũng là một tài nữ có chút danh tiếng, nhưng lúc đó di nương bà ta còn chưa được phù chánh, vẫn là một thứ nữ, nếu không bà ta cũng không phải gả cho người ta làm thiếp.
Tô Như Cẩm mặc một chiếc áo gấm dệt kim vạt áo cân đối màu xanh lam, phía dưới là quần bích la, ôn nhã thanh lệ, trên người toát ra phong thái của người có tri thức, không giống thứ nữ mà càng giống đích nữ được dày công bồi dưỡng hơn.
Phía sau Tô Hàm Nguyệt còn có một thiếu nữ, cũng do Tam di nương sinh, tên là Nhược Kiều, nàng ta chẳng những là chị em ruột cùng mẹ với Tô Hàm Nguyệt, mà còn là thai song sinh, chỉ sinh trễ hơn Tô Hàm Nguyệt khoảng thời gian uống cạn một chung trà, nhưng tướng mạo của hai người, nhất là tính tình lại hoàn toàn bất đồng.
Tô Hàm Nguyệt trông giống mẹ ruột Phương Tình của nàng ta, bởi vì được nuôi bên cạnh Tiêu Yến nên tự cho là mình cao hơn người khác một bậc, tính tình kiêu căng ngang ngược, kiếp trước khắp nơi chèn ép trào phúng nàng. Tô Nhược Kiều thì trông giống Tô Khắc Minh hơn, tính tình hướng nội, cực kỳ nhát gan, lúc này nàng ta đang cúi thấp đầu, trên tay cầm một cái hộp gỗ vuông màu đen.
Người nói những lời này đúng là Tô Hàm Nguyệt, một trong số ít những người để lại ấn tượng sâu sắc cho nàng ở kiếp trước.