Trên đường đi vất vả gian nan, lúc qua Quái Sơn thì kinh hãi khiếp vía, nhưng cũng không thể ngăn cản bọn họ đến hẹn lại lên, đầu xuân năm sau lại đến phủ thành Bách Quế Quận làm việc cho vương phủ.
Ngoài thợ thủ công ra, các công nhân khác làm việc trong xưởng và hầm mỏ đều nhận được một bao lì xì.
Chỉ là tiền thưởng không nhiều bằng thợ thủ công: Người có thành tích xuất sắc có thể được hai lượng bạc; người thường chỉ được năm sáu trăm văn, tương đương thêm một tháng lương.
Tết đến được nghỉ, lại còn được thêm một tháng lương, công nhân bình thường cũng vui mừng hớn hở.
Trong ngoài vương phủ đều được quét dọn sạch sẽ, treo đèn lồng đỏ rực rỡ, các loại quà Tết cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Từ Nhân dẫn nha hoàn theo hầu, sau khi uống xong bát cháo bát bảo đặc sánh, thì xay đậu, lọc lấy nước, làm ra một mẻ đậu phụ.
Từ lúc phát hiện ra mỏ thạch cao, nàng mới biết dùng thạch cao để làm đông đậu phụ.
Đương nhiên, nếu thích ăn đậu phụ già, thì dùng nước chát cũng có thể làm đông được.
Đậu phụ non được làm đông bằng thạch cao sau khi tinh luyện đơn giản thì trắng nõn như ngọc, ăn rất mềm mịn. Dù là trộn hay nấu canh, thì đậu phụ non vẫn là lựa chọn hàng đầu.
Làm xong đậu phụ, vẫn còn thừa nhiều nước đậu, nàng bèn nêm nếm hai loại mặn ngọt, đưa một phần đến thư phòng, còn mình cũng nếm thử.
Nước đậu nành ngọt có hương thơm ngào ngạt của đậu nành, kết hợp với vị ngọt thanh mát của đường trắng, đúng là tuyệt phối.
Còn nước đậu nành mặn thì cho một thìa nước tương, một thìa giấm, thêm chút hành lá xắt nhỏ và rau mùi, trong phủ cũng có sẵn rong biển tím và tôm nõn mua từ Khâm Bắc, cho thêm một chút vào để tăng thêm hương vị. Cuối cùng, từ từ đổ nước đậu nành nóng hổi vào bát, nước đậu gặp giấm, như nở bung thành những bông hoa li ti đẹp mắt. Đây chính là món sữa đậu nành mặn nổi tiếng ở Hải Thành đời sau.
Từ Nhân rất thích món này, chỉ là không biết Vương gia thích vị nào hơn.
Nhưng dựa vào sự hiểu biết của nàng về hắn, chắc là hắn sẽ thích sữa đậu nành mặn hơn.
Quả nhiên, chỉ một lát sau, tên tiểu đồng hầu hạ trong thư phòng đã chạy về bẩm báo, nói Vương gia rất thích sữa đậu nành mặn, hỏi sáng mai có nữa không?
Muốn ăn thì đương nhiên là có rồi, không có thì làm là được chứ gì.
Làm đậu phụ đã khó, chẳng lẽ nấu một bát sữa đậu nành lại không đơn giản?
Nói đến bữa sáng, món ăn kèm với sữa đậu nành ngon nhất phải kể đến quẩy.
Trong phủ có một đầu bếp lớn quê ở Lâm Hải Quận, rất giỏi làm các món chiên rán, Từ Nhân bèn dạy ông ấy cách làm quẩy.
Bữa sáng hôm sau, trên bàn ăn đã có thêm món quẩy chiên vàng ruộm, thơm phức, giòn tan.
Dù là ăn trực tiếp hay bẻ nhỏ cho vào sữa đậu nành mặn đều rất ngon.
Yến Khác Cẩn ăn uống thỏa thích, phẩy tay nói: “Thưởng!”
Từ Nhân khẽ giật khóe miệng, may mà nhà có điều kiện, lại còn rất nhiều điều kiện, nếu không cứ với cái đà tiêu tiền như nước của hắn, e là có núi vàng núi bạc cũng sẽ bị hắn phá sạch.
Sữa đậu nành mặn ngọt đều ngon, nên vừa ra mắt đã được mọi người trong phủ khen ngợi hết lời.
Mãi cho đến khi các món đậu phụ ra đời.
Đậu phụ non, đậu phụ già, đậu phụ rán, váng đậu, đậu phụ khô, tàu hũ ky... đủ loại đậu phụ với hương vị khác nhau được chế biến thành các món ăn theo thực đơn của Từ Nhân, khiến đám ma ma và nha hoàn phải hoa cả mắt.
Hôm nay, các nàng được theo chân Vương phi nếm thử các món ăn mới.
Người thì tấm tắc khen: “Oa! Đậu phụ non ăn ngon quá! Món đậu phụ Ma Bà này ăn với cơm thì có thể ăn hết hai bát!”
Kẻ lại xuýt xoa: “Đậu phụ rán kho thịt mới là nhất!”
Ma ma lớn tuổi nhất, hắng giọng tổng kết: “Ngoại trừ đậu phụ khô hơi cứng, không thích hợp cho người lớn tuổi ăn, còn lại lão nô đều thích.”
Từ Nhân gật đầu: “Đậu phụ khô thì nên đem đi kho. Kho kĩ cho mềm, ngấm gia vị, thì người lớn tuổi cũng có thể ăn được.”
Nói là làm, Từ Nhân lập tức chọn ra một số nguyên liệu thích hợp để kho, tự tay pha chế nước sốt, làm ra một nồi đồ kho thơm phức, khiến người ta thèm nhỏ dãi.
Trưa hôm sau, các vị Quận thủ ở Nam Man đến vương phủ để tặng quà năm mới, tiện thể ở lại dùng bữa. Món ăn chiêu đãi bọn họ chính là một bàn tiệc đậu phụ.
Theo Từ Nhân thấy, đây đều là những món ăn thường ngày:
Đậu phụ non được chế biến thành đậu phụ Ma Bà, đậu phụ rán sốt, canh đậu phụ Tây Thi.